Đồng USD lao dốc giữa lo ngại về sự độc lập của Fed và áp lực từ chính sách của Trump

Đồng USD lao dốc giữa lo ngại về sự độc lập của Fed và áp lực từ chính sách của Trump

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

09:45 26/06/2025

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với nhiều đồng tiền chủ chốt khi lo ngại về sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gia tăng, cùng với áp lực từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Trong khi đó, đồng euro hưởng lợi nhờ kỳ vọng vào các gói đầu tư công lớn thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu.

USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng euro và franc Thụy Sĩ vào thứ Năm, khi những lo ngại về khả năng duy trì độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm suy yếu niềm tin vào sự vững chắc của chính sách tiền tệ của quốc gia này.

Theo báo cáo từ Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc việc thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 — một động thái được cho là nhằm làm suy yếu vị thế của ông Powell, bất chấp việc nhiệm kỳ của ông kéo dài đến năm 2026.

“Thị trường có thể sẽ phản ứng tiêu cực với bất kỳ động thái sớm nào liên quan đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm Powell, đặc biệt nếu điều đó bị xem là có động cơ chính trị,” ông Kieran Williams, Trưởng bộ phận ngoại hối khu vực châu Á tại InTouch Capital Markets, nhận định. “Nếu sự độc lập của Fed bị nghi ngờ, niềm tin vào Fed sẽ bị suy giảm và điều này có thể buộc thị trường phải điều chỉnh lại kỳ vọng về lãi suất, đồng thời làm suy yếu vị thế của USD.”

Hôm thứ Tư, tổng thống Trump tiếp tục công kích Powell, gọi ông là “kém cỏi” vì không hành động quyết liệt hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Powell đang có mặt tại Thượng viện để điều trần, nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ cần được triển khai một cách thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh các kế hoạch áp thuế của ông Trump có thể làm gia tăng lạm phát.

Phản ứng với diễn biến này, thị trường đã tăng xác suất cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7 của Fed từ 12% hồi tuần trước lên 25% hiện tại. Dự báo về mức nới lỏng lãi suất trong năm 2025 cũng tăng lên 64 bps, từ mức 46 bps vào cuối tuần trước.

USD suy yếu trên diện rộng. EUR/USD tăng 0.2% lên mức 1.1687 USD — cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021, với các ngưỡng kỹ thuật tiếp theo là 1.1692 và 1.1909. GBP/USD cũng tăng 0.2% lên 1.3690, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2022. Trong khi đó, USD/CHF leo lên mức cao nhất kể từ năm 2011, ở mức 0.8033, đồng thời đạt đỉnh kỷ lục so với yên Nhật ở mức khoảng 180.55. USD giảm 0.2% so với yên, xuống còn 144.89. Chỉ số DXY – đo sức mạnh của đồng Đô la so với rổ tiền tệ – đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022, đạt 97.491 điểm.

Những bất ổn liên quan đến các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump cũng đang thu hút sự chú ý khi thời hạn chót cho các thỏa thuận thương mại – ngày 9 tháng 7 – đang đến gần. JPMorgan hôm thứ Tư đã đưa ra cảnh báo rằng, các rủi ro thuế quan có thể làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và làm tăng lạm phát ở Mỹ, kéo theo khả năng xảy ra suy thoái lên tới 40%.

“Các cú sốc tiêu cực ngày càng nhiều hơn, và chúng tôi dự báo mức thuế quan của Mỹ sẽ còn tăng cao hơn nữa,” các chuyên gia của JPMorgan viết trong báo cáo. “Điều này có thể dẫn tới kịch bản mà chúng tôi gọi là kết thúc cho ‘sự đặc biệt’ của nền kinh tế Mỹ.”

Sự suy giảm của USD trong những tháng gần đây phần nào phản ánh mối lo ngại rằng Mỹ có thể đang đánh mất vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu và nơi trú ẩn an toàn hàng đầu của giới đầu tư.

Ngược lại, đồng euro đã trở thành một trong những đồng tiền hưởng lợi chính. Các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào các gói đầu tư hạ tầng mới quy mô lớn ở châu Âu sẽ thúc đẩy tăng trưởng trên toàn khu vực, hỗ trợ thêm cho đồng tiền chung.

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay, theo dõi triển vọng phục hồi và áp lực giảm phát

Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay, theo dõi triển vọng phục hồi và áp lực giảm phát

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cơ bản đúng như dự báo, trong bối cảnh tăng trưởng quý II nhỉnh hơn kỳ vọng nhưng nhu cầu trong nước vẫn yếu. Giới phân tích cho rằng các áp lực giảm phát và bất ổn toàn cầu có thể thúc đẩy các biện pháp nới lỏng bổ sung vào cuối năm. Thị trường đang chờ đợi cuộc họp Bộ Chính trị sắp tới để rõ hơn định hướng chính sách trong nửa cuối năm 2025.
Niềm tin người tiêu dùng Anh giảm mạnh do lo ngại về thị trường lao động và chi phí sinh hoạt

Niềm tin người tiêu dùng Anh giảm mạnh do lo ngại về thị trường lao động và chi phí sinh hoạt

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Deloitte công bố đã giảm 2.6 điểm phần trăm trong quý II, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Kết quả phản ánh tâm lý thận trọng gia tăng trước những bất ổn về an ninh việc làm, lạm phát kéo dài và áp lực chi phí sinh hoạt. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.7% và tốc độ tăng lương đạt mức cao nhất kể từ tháng 1, cho thấy bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều biến động.
Cơ quan quản lý thị trường Pháp yêu cầu Vivendi rút lui ưu đãi

Cơ quan quản lý thị trường Pháp yêu cầu Vivendi rút lui ưu đãi

Cơ quan quản lý thị trường Pháp đã phán quyết rằng Bolloré SE và Vincent Bolloré phải đưa ra một lời đề nghị rút lui công khai đối với Vivendi SE trong vòng sáu tháng tới, đây là một đòn giáng đối với tỷ phú truyền thông kiểm soát công ty này.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ