Giá thép chưa thể giảm nhanh do Trung Quốc siết nguồn cung thép thô

Giá thép chưa thể giảm nhanh do Trung Quốc siết nguồn cung thép thô

18:57 19/08/2021

Trung Quốc đang đối mặt với thử thách lớn về cam kết kiểm soát khí thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp sau khi sản lượng thép nước này tăng vọt trong nửa đầu năm nay. Giờ đây, Bắc Kinh nỗ lực gấp bội để giảm sản lượng thép trong những tháng cuối năm nhưng điều này cũng có nghĩa là giá thép trên toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao do nguồn cung từ Trung Quốc bị siết chặt giữa lúc nhu cầu thép đang phục hồi mạnh mẽ khi các nền kinh tế trên thế giới tái mở cửa.

Các cuộn thép tấm ở nhà máy sắt thép Trùng Khánh tại quận Trường Thọ, TP Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các cuộn thép tấm ở nhà máy sắt thép Trùng Khánh tại quận Trường Thọ, TP Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các chính quyền địa phương đua nhau tăng sản lượng thép

Là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, chiếm đến gần 31% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu mỗi năm, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu các mục tiêu giảm khí thải nhà kính toàn cầu có đạt được hay không.

Một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, công bố vào truần trước, cho biết biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng hơn do việc tiêu thụ quá mức các nhiên liệu hóa thạch.

Do nhu cầu sử dụng điện lớn, ngành công nghiệp thép gặp khó khăn lớn hơn trong nỗ lực giảm phát thải carbon. Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 15% tổng lượng phát thải carbon hàng năm ở Trung Quốc.

Trong số 31 tỉnh thành và vùng tự trị của Trung Quốc, chỉ có tỉnh Hồ Bắc và TP Thiên Tân chứng kiến sản lượng thép giảm trong 6 tháng đầu năm nay. Trong cùng kỳ, sản lượng thép của tỉnh Giang Tô và tỉnh Sơn Đông, hai trung tâm sản xuất thép lớn thứ 2 và thứ 3 Trung Quốc, lần lượt tăng 13% và 17%. Sản lượng thép ở các tỉnh khác thậm chí còn tăng mạnh hơn. Chẳng hạn, trong nửa đầu năm nay, sản lượng thép ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tăng 88%, lên mức gần 20 triệu tấn, tương đương tổng sản lượng thép của Việt Nam trong cả năm 2020.

Sản lượng thép phân tán ở nhiều nơi trên cả nước khiến giới chức trách Trung Quốc khó theo dõi và quản lý, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi, nơi nhu cầu thép vẫn mạnh mẽ

Trong khi các chính quyền địa phương sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cam kết hạn chế sản lượng thép thô trong năm nay ở mức không cao hơn 1,065 tỉ tấn (sản lượng thép của Trung Quốc trong năm 2020).

Để đạt mục tiêu đó, trong những tháng còn lại của năm 2021, các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc phải giảm sản lượng thép khoảng 10% so với tốc độ sản xuất thép kỷ lục trong nửa đầu năm, theo tính toán của Reuters dựa vào dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS). Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thép của Trung Quốc tăng đến 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, với giá thép trên toàn cầu đang ở mức cao sát kỷ lục giữa cơn bùng nổ sản xuất và xây dựng nhờ các chương trình kích thích kinh tế, bất cứ động thái cắt giảm nguồn cung thép nào cũng có thể gây áp lực lạm phát ở lĩnh vực nguyên vật liệu thô vốn đang khiến chỉ số giá sản xuất ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, khiến hoạt động của các nhà máy chững lại.

Các nhà phân tích cho rằng sẽ không dễ dàng để Trung Quốc cân bằng mục tiêu hạn chế khí thải nhà kính với mục tiêu kinh tế.

Giá thép sẽ duy trì ở mức cao nếu sản lượng thép của Trung Quốc giảm

Trung Quốc đặt các mục tiêu giảm ô nhiễm đầy tham vọng bao gồm đạt đỉnh khí thải carbon vào năm 2030, rồi dần giảm phát thải carbon về mức zero ròng năm 2060. Một trong những biện pháp để đạt các mục tiêu này là dừng các hoạt động sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, trong đó có ngành thép.

Baowu Group, tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc và cũng là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cho biết cắt giảm sản lượng thép giờ đây là “nhiệm vụ chính trị, không được phép mặc cả”.

Lo ngại trước mức khí thải carbon đang gia tăng, Bắc Kinh tuyên bố tăng cường giám sát việc tuân thủ cắt giảm sản lượng thép thô và cho biết sẽ chấn chỉnh bất kỳ nỗ lực giảm khí thải carbon nào “theo kiểu phong trào”.

Các trung tâm sản xuất thép lớn bao gồm Hà Bắc, Giang Tô, Sơn Đông và Phúc Kiến đã nhận được mệnh lệnh từ chính quyền trung ương, yêu cầu họ cắt giảm sản lượng thép trong những tháng còn lại của năm nay.

Kể từ cuối tháng 6, Bắc Kinh đã gửi các đoàn thanh tra đến các chính quyền địa phương và các nhà máy thép để kiểm tra nỗ lực cắt giảm công suất và sản lượng thép bằng cách đóng cửa các lò cao sử dụng công nghệ lạc hậu.

Theo NBS, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm về mức 86,79 triệu tấn, mức thấp nhất trong 15 tháng qua. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ thép nói chung vẫn vững mạnh, việc cắt giảm lượng thép làm dấy lên các lo ngại nguồn cung bị thiếu hụt vào cuối năm nay.

“Nếu việc cắt giảm sản lượng thép được thực thi nghiêm nhặt, nguồn cung trên thị trường sẽ thiếu hụt”, Steve Xi, nhà tư vấn ở hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, nói.

Ông nhận định sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc có thể suy giảm trong nửa cuối năm nay. Để bảo đảm đầy đủ nguồn cung thép cho thị trường trong nước, Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu thép 2 lần chỉ trong 3 tháng, đồng thời loại bỏ hoàn thuế xuất khẩu đối với gần 170 sản phẩm thép. Dù vậy, các nhà phân tích vẫn dự báo thị trường thép ở Trung Quốc sẽ thắt chặt.

Tháng trước, Bắc Kinh hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại để bơm thêm tiền ra thị trường, hỗ trợ các nhà sản xuất vốn đang chứng kiến biên lợi nhuận bị ép chặt do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, với nhu cầu thép trên toàn cầu được dự báo vẫn vững mạnh nhờ các nền kinh tế tái mở cửa, việc kiểm soát sản lượng thép nghiêm ngặt ở Trung Quốc có thể gây sức ép lên biên lợi nhuận của những khách hàng cuối của ngành thép.

“Có khả năng nguồn cung thép ở Trung Quốc sẽ suy giảm trong nửa cuối năm nay. Vì vậy, chúng tôi cho rằng xung đột giữa nguồn cung đang suy giảm và nhu cầu thép đang phục hồi sẽ khiến giá thép tiếp tục duy trì ở mức cao”, Zhuo Guiqiu, nhà phân tích ở Công ty Jinrui Capital, nhận định.

Tuy nhiên, Richard Lu, nhà phân tích ở Công ty tư vấn hàng hóa CRU, không bi quan lắm về tác động của viễn cảnh sản lượng thép ở Trung Quốc bị cắt giảm. Ông cho rằng tình trạng nguồn cung thiếu hụt sẽ không quá nghiêm trọng và ngành thép có thể chứng kiến biên lợi nhuận cao hơn nhưng lượng thép tồn kho của họ sẽ giảm xuống nhanh.

Trong phiên giao dịch hôm 18-8, các chỉ số giá quặng sắt tương lai ở Trung Quốc giảm mạnh hơn 4%, về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 do tác động của nỗ lực cắt giảm sản lượng thép của giới chức trách cũng như lượng quặng sắt tồn kho đang tăng lên ở các cảng của nước này. Tuần trước, lượng quặng sắt tồn kho ở 45 cảng của Trung Quốc tăng thêm 260.000 tấn, lên mức 128 triệu tấn, theo dữ liệu của Công ty tư vấn Mysteel.

Các hợp đồng quặng sắt giao tháng 1-2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm đến 4,6%, về mức 806 nhân dân tệ (124,36 đô la Mỹ)/tấn. Trong khi đó, các hợp đồng thép thanh giao tháng 1-2022 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải cũng giảm 3,7%, về mức 5.144 nhân dân tệ (793 đô la Mỹ)/tấn. Dù vậy, giá thép thanh vẫn chưa giảm sâu so với mức kỷ lục 5.972 nhân dân tệ (921 đô la) /tấn được thiết lập hồi tháng 5, nhờ giới chức trách nỗ lực cắt giảm nguồn cung thép thô.

Cuối tuần trước, giá các hợp đồng thép cuộn cán nóng ở Mỹ tăng lên mức 1.880 đô la/tấn, cao hơn 219% so với đầu năm 2020.

Link gốc tại đây.

Theo TheSaigonTimes

Broker listing

Cùng chuyên mục

Vàng đang tiến gần đột phá khi biên độ giao dịch thu hẹp giữa các ngưỡng quan tọng

Vàng đang tiến gần đột phá khi biên độ giao dịch thu hẹp giữa các ngưỡng quan tọng

Giá vàng đang dao động trong biên độ ngày càng thu hẹp, khi đường hỗ trợ xu hướng và kháng cự ngang dần hội tụ. Với đà tăng có dấu hiệu cải thiện, phe mua có thể nắm ưu thế, nếu họ vượt qua ngưỡng kháng cự then chốt. Đường hỗ trợ xu hướng tăng đã được kiểm tra và giữ vững tới sáu lần. Ngưỡng kháng cự $3,360 tiếp tục là rào cản đáng gờm. Việc vượt qua $3,360 sẽ mở ra cơ hội kiểm định các mốc $3,400 và $,3451.
Giá dầu đi ngang giữa vòng xoáy trừng phạt và lo ngại suy yếu nhu cầu

Giá dầu đi ngang giữa vòng xoáy trừng phạt và lo ngại suy yếu nhu cầu

Giá dầu gần như không đổi trong phiên đầu tuần khi thị trường theo dõi sát sao tác động từ các lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, đồng thời đánh giá rủi ro suy yếu nhu cầu nhiên liệu do sản lượng tăng từ Trung Đông. Trong khi Mỹ chuẩn bị áp thuế nhập khẩu lên EU vào ngày 1/8, giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi hiệu quả các lệnh cấm dầu toàn cầu. Nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến cung–cầu và dữ liệu tồn kho sắp tới sẽ định hướng giá trong ngắn hạn.
EU sửa đổi và các lệnh trừng phạt mới đối với Nga

EU sửa đổi và các lệnh trừng phạt mới đối với Nga

Các quốc gia Liên minh Châu Âu đã phê duyệt một gói trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc chiến chống lại Ukraine, bao gồm giới hạn giá dầu được sửa đổi và các hạn chế ngân hàng mới, sau khi Slovakia dỡ bỏ quyền phủ quyết.
Cơ quan gián điệp trung quốc cáo buộc các điệp viên nước ngoài đánh cắp đất hiếm

Cơ quan gián điệp trung quốc cáo buộc các điệp viên nước ngoài đánh cắp đất hiếm

Cơ quan gián điệp của Trung Quốc đã cáo buộc các cơ quan tình báo nước ngoài đánh cắp các vật liệu đất hiếm được kiểm soát, tái khẳng định ý định ngăn chặn buôn lậu ngay cả khi Bắc Kinh đồng ý xem xét các đơn xin xuất khẩu nguồn tài nguyên công nghiệp quan trọng này sau các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Giá dầu ổn định sau lo ngại gián đoạn nguồn cung tại Iraq và bất ổn thuế quan Mỹ

Giá dầu ổn định sau lo ngại gián đoạn nguồn cung tại Iraq và bất ổn thuế quan Mỹ

Giá dầu giữ ổn định vào thứ Sáu sau khi tăng nhẹ nhờ lo ngại về các cuộc tấn công máy bay không người lái làm gián đoạn sản lượng dầu tại vùng Kurdistan, Iraq. Dù nhu cầu mùa hè hỗ trợ thị trường, sự bất ổn về chính sách thuế quan Mỹ và kế hoạch tăng nguồn cung khiến giá dầu chịu áp lực trong tuần này. Chính phủ Iraq cũng thông báo nối lại xuất khẩu dầu từ Kurdistan sau hai năm tạm ngưng.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ