Hòa bình thương mại và tiền rẻ: Ván bài lớn của thị trường toàn cầu

Hòa bình thương mại và tiền rẻ: Ván bài lớn của thị trường toàn cầu

Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

09:29 11/06/2025

Nhà đầu tư đang đặt cược vào một thị trường "liều lĩnh", nơi rủi ro được dồn sang ngày mai. Bất kỳ dòng tiêu đề nào từ bàn đàm phán thương mại tại London – dù tích cực hay tiêu cực – đều có thể làm rung chuyển đà tăng hiện tại. Nhưng cho đến lúc đó, "ly cocktail" thị trường đã được pha thêm Bò Húc, và cơn hưng phấn hiện tại là chuyện của hôm nay – hệ quả để mai tính.

Ngay trong ngày Ngân hàng Thế giới phát đi cảnh báo đầy u ám – hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và nhấn mạnh “những trở ngại đáng kể” từ thuế quan và bất ổn kinh tế – thị trường tài chính toàn cầu lại chứng minh bản lĩnh đặc trưng của mình giữa cơn lũ thanh khoản: thản nhiên băng qua “bức tường lo lắng” như thể nó chưa từng tồn tại. Chứng khoán thế giới tiếp tục thiết lập kỷ lục ngày thứ năm liên tiếp, phớt lờ mọi gam màu xám của bức tranh vĩ mô như một nhà giao dịch dày dạn kinh nghiệm gạt bỏ không thương tiếc một bản báo cáo tiêu cực vào sọt rác.

Tại châu Âu, FTSE 100 của London đang áp sát đỉnh lịch sử, trong khi DAX của Đức đã bứt phá thành công. Phía bên kia Đại Tây Dương, Phố Wall chứng kiến S&P 500 và Nasdaq chỉ cần thêm vài phiên tăng nữa là chạm tới kỷ lục mới. Tâm lý hưng phấn được tiếp thêm “liều caffeine mạnh” từ kỳ vọng thương mại Mỹ-Trung, sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Howard Lutnick, khẳng định các cuộc đàm phán đang tiến triển “rất, rất tốt” – cụm từ mà giới đầu tư thường dịch là: “mua theo tin đồn, chạy theo sóng”.

S&P 500 hiện đã khép phiên cách đỉnh lịch sử chưa đầy 2%, với Tesla bứt tốc dẫn đầu như một “tín đồ tăng trưởng” được truyền năng lượng bằng espresso. Trong khi đó, thị trường trái phiếu tỏ ra khá trầm lắng sau phiên đấu giá 3 năm trị giá 58 tỷ USD – mở màn cho chuỗi ba phiên phát hành kéo dài đến trái phiếu 30 năm vào thứ Năm. Lợi suất gần như đứng yên, phản ánh nhu cầu hấp thụ nguồn cung vẫn ở mức ổn định, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, thử thách thực sự đối với thị trường lãi suất đang đến gần: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.

Toàn bộ sự chú ý đang dồn vào dữ liệu lạm phát sắp công bố, với kỳ vọng CPI tổng thể sẽ nhích nhẹ +0.16% (+2.4% so với cùng kỳ năm trước), còn CPI lõi tăng +0.27% (+2.9% so với cùng kỳ). Những con số này gần như tương đồng với mức trung bình 12 tháng – đồng nghĩa không có cú sốc nào, không có “cơn hoảng loạn lạm phát”, và cũng chẳng có lý do khiến các dự báo hạ lãi suất vào mùa hè bị gián đoạn. Nếu dữ liệu phù hợp kỳ vọng hoặc thậm chí thấp hơn, đó sẽ là cơ sở vững chắc để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chuyển hướng chính sách mà không gây bất an cho phe hawkish. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và khẩu vị rủi ro vẫn mạnh, CPI tháng 5 hoàn toàn có thể là tín hiệu xanh mà giới đầu tư đang chờ để tiếp tục hành trình mua vào.

Thỏa thuận 15 tỷ USD giữa Meta và Scale AI cùng cú bắt tay chiến lược trong lĩnh vực điện toán đám mây giữa OpenAI và Google đang khuấy động lại bầu không khí đầu tư. Không chỉ giữ được niềm tin – thị trường dường như đang củng cố nó. Dòng tiền dồi dào trong tài khoản, khẩu vị rủi ro vẫn được duy trì. Trong khi đó, các chỉ số đo lường biến động như VIX và MOVE đang rơi vào trạng thái "ngủ đông", cho thấy sự bình lặng lạ thường sau làn sóng lo ngại về lợi suất và bất ổn tài khóa. Nhà đầu tư, một lần nữa, đã bật công tắc “xanh”.

Tuy nhiên, một sự phân kỳ ngầm đang hình thành. Phía sau đà tăng giá mạnh mẽ là một danh sách dài những bất an vĩ mô: tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lạm phát vẫn dai dẳng, rủi ro thương mại, biến động lãi suất kéo dài, căng thẳng ngân sách công, và một Trung Quốc đang loay hoay trong bẫy giảm phát. Về mặt lý thuyết, đây là môi trường lý tưởng cho sự điều chỉnh.

Nhưng thị trường không để tâm.

Lý do rất đơn giản: dòng thanh khoản đang được bơm mạnh trở lại. Trung Quốc vừa huy động quỹ 1,500 tỷ USD để tiếp sức cho thị trường bất động sản – nơi từng được coi là “xác sống” – cho thấy họ chưa sẵn sàng buông tay. Tại châu Âu, Đức và Anh đồng loạt tăng chi tiêu. Tân Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh, Rachel Reeves, dự kiến sẽ công bố gói kích thích trị giá 2,000 tỷ bảng trong những năm tới. Bên kia Đại Tây Dương, "dự luật lớn và đẹp" của ông Trump – bao gồm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu – đang trên đường được thông qua, với quy mô đủ để duy trì sức nóng thị trường suốt cả mùa hè.

Đây chính là làn sóng thanh khoản nâng đỡ đà tăng. Và như mọi nhà giao dịch kỳ cựu đều hiểu: khi tiền mặt tràn ngập, các yếu tố cơ bản tiêu cực có thể tạm thời bị che khuất. Vâng, nợ công đang leo thang, ngân sách Mỹ và Anh đang chịu áp lực nặng nề – nhưng hiện tại, đó không phải là vấn đề của thị trường. Chừng nào “âm nhạc” còn chơi, đám đông vẫn sẽ tiếp tục nhảy múa.

Thêm gia vị cho bức tranh là những tín hiệu tích cực từ địa chính trị: Washington và Bắc Kinh có vẻ đang tiến đến những nhượng bộ mang tính bước ngoặt. Kịch bản được đồn đoán? Mỹ có thể lấy lại quyền tiếp cận các nguyên tố đất hiếm chiến lược; đổi lại, Trung Quốc được bảo đảm đầu ra cho xuất khẩu năng lượng của Mỹ. Nếu thậm chí chỉ một phần nhỏ trong những thỏa thuận này thành hiện thực, thị trường sẽ được “tẩm ướp” bởi một hỗn hợp mạnh mẽ của nới lỏng chính sách, kích thích tài khóa, và tâm lý đầu cơ đầy hy vọng.

Nhà đầu tư đang đặt cược vào một thị trường "liều lĩnh", nơi rủi ro được dồn sang ngày mai. Bất kỳ dòng tiêu đề nào từ bàn đàm phán thương mại tại London – dù tích cực hay tiêu cực – đều có thể làm rung chuyển đà tăng hiện tại. Nhưng cho đến lúc đó, "ly cocktail" thị trường đã được pha thêm Bò Húc, và cơn hưng phấn hiện tại là chuyện của hôm nay – hệ quả để mai tính.

Không ngạc nhiên khi thị trường châu Á đang háo hức bám theo đà tăng của Phố Wall, được tiếp sức bởi dòng tiền nới lỏng và kỳ vọng thương mại lạc quan. Sóng tăng đang làm chủ, thanh khoản là động lực, và nỗi sợ hãi tạm thời bị loại khỏi bảng điều khiển.

Cưỡi sóng lúc này. Dòng chảy ngầm – để sau.

fxstreet

Broker listing

Cùng chuyên mục

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Thị trường chứng khoán Mỹ đang ăn mừng nhờ sự kết hợp của lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng và dữ liệu kinh tế tích cực, đẩy S&P 500 và Nasdaq liên tục lập đỉnh mới trong năm 2025. Bất chấp những lo ngại về chính trị và lãi suất, tâm lý nhà đầu tư vẫn lạc quan nhờ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ và niềm tin vào sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, phản ánh kỳ vọng về chính sách tài khóa mở rộng sau bầu cử, khả năng cắt giảm thuế tiêu dùng và căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ. Khi bất ổn chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng phát hành nợ gia tăng và sự thay đổi trong định hướng tài khóa kéo dài nhiều thập kỷ của Nhật Bản.
Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Tổng thống Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, dù vẫn để ngỏ khả năng này. Ông tiếp tục chỉ trích Powell vì không hạ lãi suất và đề cập đến dự án cải tạo trụ sở Fed như một lý do có thể dẫn đến thay đổi nhân sự. Các chuyên gia và nghị sĩ cảnh báo việc can thiệp vào Fed có thể đe dọa tính độc lập của ngân hàng trung ương và gây bất ổn thị trường.
Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên với tâm lý căng thẳng sau khi có tin Trump không chỉ cân nhắc việc sa thải Powell mà còn được cho là đã chuẩn bị sẵn thư sa thải. Ngay sau đó, Tổng thống "lật kèo", bất ngờ khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể nào nhằm thay Powell. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Stephen Innes.
Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản đã cải thiện nhẹ trong tháng 7, được thúc đẩy bởi dấu hiệu phục hồi trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những lo ngại về thuế quan từ Mỹ và xuất khẩu sụt giảm vẫn gây áp lực lên các lĩnh vực chủ chốt như ô tô. Trong khi đó, ngành dịch vụ cho thấy sự phân hóa rõ rệt, phản ánh môi trường kinh tế còn nhiều bất định.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ