Liệu Trung Quốc có thể đơn độc đối đầu với Mỹ không?

Liệu Trung Quốc có thể đơn độc đối đầu với Mỹ không?

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

10:32 11/04/2025

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung bùng nổ mạnh mẽ, đẩy toàn cầu hóa vào thế khó. Dù thương mại vẫn vận hành, căng thẳng leo thang khiến thị trường chao đảo và niềm tin sụt giảm.

Cảng Victoria là biểu tượng hào nhoáng nhất của Hồng Kông, nhưng Kênh Rambler mới là nơi diễn ra phần việc nặng nhọc của thương mại.

Dọc theo chiều dài hơn 7km của kênh là những bến cảng sầm uất. Hàng loạt cẩu giàn - loại chạy trên ray hoặc bánh lốp cao su -hoạt động liên tục để phục vụ tới 24 tàu cùng lúc. Năm ngoái, khu cảng bao quanh khu vực này đã xử lý hơn 10 triệu container tiêu chuẩn, loại thùng thép nhiều màu - xanh lá, xanh dương, đỏ - tượng trưng cho toàn cầu hóa được đóng gói gọn trong từng khối vuông.

Trưa ngày 9 tháng 4, không một hồi còi hay chuông báo nào vang lên khi các mức thuế "đáp trả" nghiêm khắc của Mỹ chính thức có hiệu lực. Cảng vẫn vận hành bình thường. Các container vẫn luân chuyển. Toàn cầu hóa không dừng lại.

Một tài xế đầu hói lùi xe vào vị trí dưới một xe nâng loại “reach stacker”, thiết bị này nhẹ nhàng nhấc container lên không trung như một vận động viên cử tạ giật đòn. Mọi thứ diễn ra yên ả, tưởng như không có gì đặc biệt, nhưng thật ra một ranh giới lớn đã bị vượt qua: Từ thời điểm đó, phần lớn hàng hóa xuất phát từ cảng này và từ các cảng khác trên khắp Trung Quốc, nếu nhập khẩu vào Mỹ, sẽ phải chịu mức thuế cao bất thường. Và điều này đến từ chính quốc gia từng là người bảo vệ kiên định nhất của thương mại tự do toàn cầu.

Việc các mức thuế áp lên Trung Quốc cao đến mức khó tin là do Bắc Kinh đã chọn phản ứng "ăn miếng trả miếng" trước điều họ gọi là hành động “bắt nạt kinh tế” của Washington. Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 34% với Trung Quốc vào ngày 2 tháng 4, Trung Quốc lập tức đáp trả tương ứng. Khi ông Trump nâng thuế lên 84%, Trung Quốc cũng phản đòn. Đến chiều cùng ngày khi mức thuế có hiệu lực, ông Trump tiếp tục đẩy mạnh tấn công, tăng thuế từ 104% (bao gồm khoản phạt 20% liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong sản xuất fentanyl) lên 125%.

Trong khi cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump lại mềm mỏng với các quốc gia khác. Các mức thuế đáp trả dành cho những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ được hoãn lại 90 ngày. Thay vào đó, họ sẽ chịu thuế tạm thời 10% trong thời gian đàm phán những thỏa thuận “theo yêu cầu” với Tổng thống.

Quyết định này của ông Trump khiến thị trường tài chính Mỹ thở phào. Đặc biệt là thị trường trái phiếu, vốn đã khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an — theo chính lời ông Trump. Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, thị trường chứng khoán lập tức phản ứng tích cực. Chỉ số S&P 500 tăng 10% trong ngày, thu hẹp khoảng cách so với mức trước ngày 1 tháng 4 — thời điểm bắt đầu toàn bộ diễn biến căng thẳng này — còn chưa tới 3%.

Tuy nhiên, dù đã lùi bước phần nào, các mức thuế còn lại vẫn mang tính lịch sử. Trung bình, thuế nhập khẩu hiện vượt quá 25% khi tính theo giá trị nhập khẩu của Mỹ từ các đối tác trong năm ngoái. Việc tăng mạnh thuế với Trung Quốc đã đủ để bù đắp cho sự nới lỏng đối với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại. Hệ quả là, mức thuế trung bình của Mỹ hiện đã vượt cả mức đạt được sau Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930. Thời điểm đó, tờ The Economist từng gọi đạo luật là “một hồi kết bi hài cho chương kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử thuế quan thế giới”.

Câu chuyện ngày nay thậm chí còn kỳ quặc và bi hài hơn. Khoảng thời gian 90 ngày dành cho đàm phán song phương là quá ngắn ngủi trong tiến trình thương thuyết thương mại vốn rất chậm chạp. Khi các cuộc đàm phán thực sự bắt đầu, không phải quốc gia nào cũng có thể thỏa mãn yêu cầu của ông Trump. Tổng thống dường như vẫn kiên quyết áp thuế lên đồng, gỗ, dược phẩm và chip bán dẫn. Thêm vào đó, từ ngày 2/5, các gói hàng từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD - trước đây được miễn thuế vì chi phí thu cao hơn giá trị - sẽ phải chịu thuế và các yêu cầu giấy tờ phức tạp.

Giữa người tiêu dùng và chiếc quần Calvin

Trung Quốc có thể tiếp tục tung đòn đáp trả. Nước này đã đưa một số doanh nghiệp Mỹ - trong đó có PVH, công ty mẹ của thương hiệu Calvin Klein - vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, khiến các doanh nghiệp này có thể đối mặt với sự giám sát và hạn chế từ chính phủ. Trung Quốc có thể tiếp tục siết hoạt động kinh doanh của họ. Nước này cũng đã cắt chuỗi cung ứng của một số nhà sản xuất drone Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu nhiều kim loại quan trọng sang Mỹ. Ngày 8 tháng 4, nhiều cây bút có quan hệ với chính quyền đã công bố danh sách các biện pháp trả đũa tiềm năng khác: Trung Quốc có thể tạm dừng hợp tác với Mỹ trong vấn đề fentanyl, hoặc cấm nhập khẩu thịt gia cầm và các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, lúa miến, vốn chủ yếu đến từ các bang Cộng hòa.

Trung Quốc cũng có thể nhắm vào ngành dịch vụ Mỹ. Một báo cáo mới đây từ Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng Mỹ đang có thặng dư thương mại trong dịch vụ với Trung Quốc (dù nhỏ hơn rất nhiều so với thâm hụt hàng hóa).

Nếu áp dụng cách tính đơn giản mà Mỹ đã dùng để xác định mức thuế “đáp trả”, Trung Quốc hoàn toàn có thể đánh thuế 28% đối với dịch vụ của Mỹ. Bên cạnh đó, các blogger có ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng kêu gọi chính quyền xem xét lại quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, những tài sản có thể được xem là độc quyền và đang thu lợi nhuận vượt mức.

Cuộc chiến thương mại leo thang: Trung Quốc chịu thiệt, Mỹ cũng chẳng yên

Việc Trung Quốc trả đũa khiến khả năng đạt được thỏa thuận với ông Trump trở nên xa vời. Ông dường như muốn cô lập Trung Quốc bằng cách ưu tiên đàm phán với các đối tác khác trước. Nhưng dưới góc nhìn của Bắc Kinh, đàm phán với Tổng thống Mỹ ẩn chứa nhiều rủi ro mà lợi ích thu về thì rất ít. Dù cán cân thương mại có thế nào, Mỹ vẫn đang nỗ lực "tách rời" khỏi Trung Quốc và kiềm chế sự trỗi dậy về kinh tế của nước này. Quan hệ thương mại giữa hai cường quốc có thể đang ở mức thấp theo chu kỳ, nhưng xu hướng suy giảm dài hạn mới là điều đáng lo ngại.

Ngay cả khi đạt được một số nhượng bộ qua đàm phán, Trung Quốc vẫn có nguy cơ bị xói mòn thành quả theo thời gian. Mặt khác, giới lãnh đạo nước này sẽ phải chịu tổn thất lớn nếu các cuộc gặp diễn ra không suôn sẻ. Không cố vấn nào của ông Tập Cận Bình dám mạo hiểm để ông rơi vào cảnh bị làm bẽ mặt như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 2. Một cuộc chiến thương mại còn chịu đựng được, nhưng một "gánh xiếc" tại Phòng Bầu dục thì không.

Nếu hai siêu cường tiếp tục đối đầu, bên nào sẽ nhượng bộ trước? Khi lên nắm quyền, ông Trump kế thừa một thị trường chứng khoán căng thẳng nhưng nền kinh tế vẫn mạnh. Số liệu việc làm mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vượt kỳ vọng, tài chính hộ gia đình tương đối vững vàng. Thế nhưng ông Trump đã nhanh chóng làm hao mòn di sản đó. Trước khi trì hoãn áp thuế, JPMorgan Chase dự báo Mỹ có 60% khả năng rơi vào suy thoái và 40% nguy cơ kéo theo cả kinh tế toàn cầu.

Hiện rủi ro này có thể đã giảm, nhưng các mức thuế còn lại vẫn sẽ khiến giá cả tăng cao, làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng và có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chậm hạ lãi suất. Theo Goldman Sachs, Trung Quốc là nhà cung cấp chủ lực cho hơn một phần ba lượng hàng Mỹ nhập khẩu, chiếm trên 70% nhu cầu của Mỹ trong nhiều mặt hàng. Chiến tranh thương mại sẽ khiến giá những sản phẩm này tăng hơn gấp đôi.

Ngay cả trước khi lạm phát thực sự tăng, sự bất định cũng đã lên tới đỉnh điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và chi tiêu. Một chỉ số theo dõi mức độ bất định liên quan đến chính sách thương mại do Dario Caldara thuộc Fed phát triển hiện đang cao gấp đôi kỷ lục trước đó trong chiến tranh thương mại đầu tiên của ông Trump. Những người ủng hộ Tổng thống lập luận rằng ông luôn kiên định với lập trường áp thuế từ những năm 1980. Nhưng có lẽ ông cũng đeo bám sự bất ổn với cùng mức độ nhiệt tình. Ông là một người theo chủ nghĩa trọng thương và thậm chí còn là “người theo chủ nghĩa bất định” hơn cả.

Chính sách kinh tế của Trung Quốc cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, trong đó một số lại là phản chiếu của Mỹ. Kinh tế Trung Quốc hiện đối mặt với nguy cơ giảm phát thay vì lạm phát. Giá tiêu dùng trong tháng 2 đã giảm 0.1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà hoạch định chính sách nước này lại quá cứng nhắc với mục tiêu đặt ra và thường phản ứng chậm. Phải đến tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc mới thực sự chuyển hướng sang thúc đẩy tiêu dùng nhằm đối phó với khủng hoảng bất động sản kéo dài và nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề.

Tuy nhiên, cuộc chiến đã đến nhanh và dữ dội hơn Bắc Kinh dự liệu. Theo Goldman Sachs, việc Mỹ tăng thuế thêm 50% (một kịch bản mà Trung Quốc phải đối mặt trước khi trả đũa) có thể làm GDP Trung Quốc giảm 1.5%. Nếu mức tăng thuế lên đến 125%, tăng trưởng sẽ giảm 2.2% trong năm nay. Nói cách khác, cú đánh đầu tiên gây đau đớn nhất. Thuế quá cao sẽ bóp nghẹt thương mại và thương mại đã chết thì không thể bị đánh chết lần thứ hai.

Tuy vậy, những ước tính này chưa phản ánh đầy đủ thiệt hại về niềm tin và khẩu vị rủi ro tài chính. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc vào ngày 7 tháng 4 sau khi Bắc Kinh quyết định trả đũa ông Trump. Các ngân hàng và quỹ đầu tư quốc doanh, hay còn gọi là “đội quân quốc gia”, buộc phải can thiệp để bình ổn giá. Giới chức Trung Quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nếu cần, bằng cách cắt giảm lãi suất, yêu cầu dự trữ bắt buộc và phát hành thêm trái phiếu chính phủ.

Trung Quốc sẽ phải phát hành một lượng lớn trái phiếu để bù đắp cú sốc thuế quan. Barclays ước tính nước này cần thêm đến 7.5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 1 nghìn tỷ USD, khoảng 5% GDP năm nay) kích thích kinh tế, bên cạnh gói 2.4 nghìn tỷ nhân dân tệ đã công bố hồi tháng 3. Mức này chỉ đủ để tăng trưởng đạt khoảng 4%. Nếu muốn chạm mục tiêu “xấp xỉ” 5%, quy mô kích thích có thể phải lên đến 12 nghìn tỷ nhân dân tệ – tương đương 9% GDP.

Tìm đường vòng qua các nước láng giềng

Một chiến lược sống còn khác cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc là “lùi về thượng nguồn”, né khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của thuế Mỹ. Họ có thể bán linh kiện, phụ tùng cho các đối tác trong khu vực, để sau đó được lắp ráp thành hàng hóa hoàn chỉnh và xuất sang Mỹ. Nếu Trung Quốc tiếp tục chịu mức thuế trên 100% trong khi các nước như Thái Lan hay Việt Nam chỉ bị áp thuế khoảng 10%, thì động lực theo đuổi chiến lược này sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, chiến lược này không phải bí mật với các “chiến binh thương mại” trong Nhà Trắng. Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, mới đây cáo buộc Việt Nam đang hoạt động như “thuộc địa” của các nhà sản xuất Trung Quốc. “Họ chỉ cần dán nhãn ‘Made in Vietnam’ lên hàng hóa Trung Quốc rồi đưa vào Mỹ để lách thuế,” ông nói với Fox News. Nếu không giữ khoảng cách với Trung Quốc, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thị trường Mỹ.

Ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có lý do để e dè. Cho dù các nước láng giềng châu Á có thể đạt được thỏa thuận “may đo riêng” với ông Trump, những thỏa thuận này cũng có nguy cơ đổ vỡ trong tương lai gần. Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) từng được ông Trump đích thân ký kết nhưng vẫn không được duy trì ổn định. Nếu thặng dư thương mại của một nước với Mỹ không giảm trong một hai năm vì các yếu tố vĩ mô ngoài tầm kiểm soát, liệu các mức thuế có quay trở lại?

Trước đây, các quy tắc thương mại thời hậu chiến do Mỹ góp phần xây dựng đã từng đưa ra lời giải thuyết phục cho những băn khoăn đó – đem lại sự chắc chắn cần thiết để các nhà xuất khẩu yên tâm phục vụ thị trường lớn nhất thế giới. Giờ đây, sự chắc chắn ấy đã biến mất hoàn toàn.

Không có tiếng chuông nào vang lên tại các cảng sầm uất nhất thế giới khi Mỹ áp thuế. Hàng hóa vẫn tiếp tục di chuyển. Nhưng đừng nhầm lẫn: hồi chuông cáo chung của trật tự thương mại toàn cầu thời hậu chiến đã vang lên.

The Economics

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Thị trường chứng khoán Mỹ đang ăn mừng nhờ sự kết hợp của lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng và dữ liệu kinh tế tích cực, đẩy S&P 500 và Nasdaq liên tục lập đỉnh mới trong năm 2025. Bất chấp những lo ngại về chính trị và lãi suất, tâm lý nhà đầu tư vẫn lạc quan nhờ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ và niềm tin vào sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, phản ánh kỳ vọng về chính sách tài khóa mở rộng sau bầu cử, khả năng cắt giảm thuế tiêu dùng và căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ. Khi bất ổn chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng phát hành nợ gia tăng và sự thay đổi trong định hướng tài khóa kéo dài nhiều thập kỷ của Nhật Bản.
Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Tổng thống Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, dù vẫn để ngỏ khả năng này. Ông tiếp tục chỉ trích Powell vì không hạ lãi suất và đề cập đến dự án cải tạo trụ sở Fed như một lý do có thể dẫn đến thay đổi nhân sự. Các chuyên gia và nghị sĩ cảnh báo việc can thiệp vào Fed có thể đe dọa tính độc lập của ngân hàng trung ương và gây bất ổn thị trường.
Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên với tâm lý căng thẳng sau khi có tin Trump không chỉ cân nhắc việc sa thải Powell mà còn được cho là đã chuẩn bị sẵn thư sa thải. Ngay sau đó, Tổng thống "lật kèo", bất ngờ khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể nào nhằm thay Powell. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Stephen Innes.
Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản đã cải thiện nhẹ trong tháng 7, được thúc đẩy bởi dấu hiệu phục hồi trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những lo ngại về thuế quan từ Mỹ và xuất khẩu sụt giảm vẫn gây áp lực lên các lĩnh vực chủ chốt như ô tô. Trong khi đó, ngành dịch vụ cho thấy sự phân hóa rõ rệt, phản ánh môi trường kinh tế còn nhiều bất định.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ