Một lộ trình hành động cho ECB

Một lộ trình hành động cho ECB

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

13:53 20/02/2025

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình hợp nhất thị trường vốn trong EU. Từ việc đảm bảo dòng thanh khoản lưu thông tự do, cải thiện công cụ giám sát đến hoãn áp dụng các quy định khắt khe, ECB có thể đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường tích hợp tài chính khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã nhiều lần kêu gọi đẩy nhanh tiến trình hợp nhất thị trường vốn trong EU, một mục tiêu đã được theo đuổi từ lâu nhưng vẫn chưa đạt được.

Sự ủng hộ dành cho dự án Liên minh Thị trường Vốn (CMU) là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, quan trọng hơn là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy tích hợp tài chính sâu rộng hơn. Có ít nhất ba hướng đi mà ECB có thể cân nhắc.

Thứ nhất, ECB cần đảm bảo dòng thanh khoản ngân hàng được lưu thông tự do trong khu vực đồng euro, điều kiện cốt lõi để hệ thống tài chính vận hành hiệu quả. Thực tế, điều này vẫn chưa trở thành hiện thực, đặc biệt đối với các ngân hàng hoạt động tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Nguyên nhân chính là một số cơ quan quản lý quốc gia đã lợi dụng kẽ hở trong luật pháp châu Âu để hạn chế việc ngân hàng sử dụng tiền gửi huy động từ quốc gia này để cấp tín dụng tại quốc gia khác. Điều này làm cản trở sự luân chuyển vốn trong khu vực đồng euro. Các thống đốc ngân hàng trung ương quốc gia, những người tham gia Hội đồng Thống đốc ECB, cần có hành động thống nhất với mục tiêu xây dựng một thị trường vốn chung.

Thứ hai, ECB cần cải thiện bộ công cụ giám sát tài chính của EU nhằm tháo gỡ những rào cản hiện đang kìm hãm sự phát triển của thị trường vốn châu Âu. Dù một trong những mục tiêu của CMU là giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và khuyến khích huy động vốn từ thị trường, nhưng ngân hàng vẫn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính.

Hiện tại, khung pháp lý và giám sát đang tạo ra nhiều gánh nặng không cần thiết: Quy định phức tạp, khó dự đoán và làm chậm quá trình sáp nhập xuyên biên giới. ECB, phối hợp với các cơ quan châu Âu khác, có thể thực hiện một số biện pháp để đơn giản hóa hệ thống này.

Ví dụ, việc áp dụng các mức yêu cầu vốn dự phòng chu kỳ kinh tế khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực đồng euro là không hợp lý và làm giảm hiệu quả điều phối. Bên cạnh đó, ECB cũng nên xem xét lại quy định về yêu cầu tối thiểu đối với vốn tự có và các khoản nợ đủ điều kiện (MREL) nhằm đảm bảo khả năng xử lý khi ngân hàng phá sản. Hiện tại, yêu cầu này cao hơn đáng kể so với Mỹ, khiến các ngân hàng châu Âu phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài để phát hành các khoản nợ đáp ứng tiêu chuẩn. Điều này không chỉ làm tăng chi phí mà còn khiến hệ thống tài chính châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài.

Bên cạnh đó, ECB cần thực hiện đầy đủ các cam kết trước đây về cách tính các yêu cầu vốn bổ sung mà ngân hàng trung ương có thể áp dụng để kiểm soát rủi ro, ngoài các quy định chung áp dụng toàn ngành. Để đảm bảo tính nhất quán và tránh tình trạng tính trùng rủi ro trong các yêu cầu này, được gọi là hai trụ cột trong thuật ngữ quản lý, ECB nên tuân theo thông lệ tại Anh và Mỹ.

Quan trọng không kém, ECB nên ủng hộ việc hoãn áp dụng các cải cách Basel III liên quan đến hoạt động giao dịch của ngân hàng ít nhất đến năm 2027, hoặc đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra kế hoạch triển khai và thời điểm áp dụng cụ thể. Động thái này sẽ giúp giảm thiểu sự mất cân bằng cạnh tranh giữa châu Âu và Mỹ, đồng thời mang đến thêm thời gian để các nhà quản lý đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của các quy định mới và những hệ quả không mong muốn, bao gồm xu hướng chuyển phần lớn hoạt động thị trường vốn sang các khu vực ít chịu sự quản lý hơn.

Hướng đi thứ ba là ECB cần chủ động tăng cường đối thoại với các tổ chức tài chính, không chỉ riêng ngân hàng, để hiểu rõ hơn những lo ngại xoay quanh đề xuất thành lập một “SEC châu Âu”. Nỗi lo lớn nhất là việc bổ sung thêm một tầng lớp giám sát và quản lý mới có thể làm gia tăng gánh nặng tuân thủ mà không có cơ chế giải trình rõ ràng, đồng thời làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính châu Âu. Đây cũng là lý do khiến nhiều tổ chức tài chính, đặc biệt từ các quốc gia ngoài EU, ưa chuộng duy trì hệ thống hiện tại vốn có tính phân mảnh, tạo điều kiện thuận lợi để chọn nơi đặt trụ sở tại quốc gia có khung pháp lý và chính sách giám sát phù hợp nhất.

Thay vì chỉ đóng vai trò vận động cho Liên minh Tiết kiệm và Đầu tư (tên gọi mới của CMU), ECB nên chủ động dẫn dắt tiến trình này bằng cách đơn giản hóa các hoạt động quản lý và giám sát theo hướng thân thiện với thị trường. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tuân thủ mà còn thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng hơn trong hệ thống tài chính châu Âu.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực - Thị trường Goldilocks trở lại, kịch bản cắt giảm lãi suất lùi xa

Thị trường chứng khoán Mỹ đang ăn mừng nhờ sự kết hợp của lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng và dữ liệu kinh tế tích cực, đẩy S&P 500 và Nasdaq liên tục lập đỉnh mới trong năm 2025. Bất chấp những lo ngại về chính trị và lãi suất, tâm lý nhà đầu tư vẫn lạc quan nhờ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ và niềm tin vào sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, phản ánh kỳ vọng về chính sách tài khóa mở rộng sau bầu cử, khả năng cắt giảm thuế tiêu dùng và căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ. Khi bất ổn chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng phát hành nợ gia tăng và sự thay đổi trong định hướng tài khóa kéo dài nhiều thập kỷ của Nhật Bản.
Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Powell, để ngỏ khả năng sa thải giữa lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương

Tổng thống Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, dù vẫn để ngỏ khả năng này. Ông tiếp tục chỉ trích Powell vì không hạ lãi suất và đề cập đến dự án cải tạo trụ sở Fed như một lý do có thể dẫn đến thay đổi nhân sự. Các chuyên gia và nghị sĩ cảnh báo việc can thiệp vào Fed có thể đe dọa tính độc lập của ngân hàng trung ương và gây bất ổn thị trường.
Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chao đảo theo trò chơi quyền lực từ Washington - Số phận của Powell sẽ ra sao?

Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên với tâm lý căng thẳng sau khi có tin Trump không chỉ cân nhắc việc sa thải Powell mà còn được cho là đã chuẩn bị sẵn thư sa thải. Ngay sau đó, Tổng thống "lật kèo", bất ngờ khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể nào nhằm thay Powell. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Stephen Innes.
Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản đã cải thiện nhẹ trong tháng 7, được thúc đẩy bởi dấu hiệu phục hồi trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những lo ngại về thuế quan từ Mỹ và xuất khẩu sụt giảm vẫn gây áp lực lên các lĩnh vực chủ chốt như ô tô. Trong khi đó, ngành dịch vụ cho thấy sự phân hóa rõ rệt, phản ánh môi trường kinh tế còn nhiều bất định.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ